Ba nội dung quan trọng khi viết CV ngành sinh học

viết CV ngành sinh học
Curriculum vitae, gọi tắt là CV, có thể tạm dịch là một bản sơ yếu lý lịch tóm tắt lại những thông tin cơ bản của một người khi anh ta ứng tuyển vào một vị trí công việc. Tôi xem CV là loại giấy tờ quan trọng nhất trong gói hồ sơ xin việc của mình. Nó là công cụ tốt nhất để truyền tải hết tất cả những kinh nghiệm, kỹ năng và đức tính của tôi đến với nhà tuyển dụng. Nói tượng hình một xíu, nếu bạn muốn mở cửa căn phòng mang tên “Buổi phỏng vấn” thì bạn cần có chìa khóa. Chìa khóa đó không đâu khác chính là bản CV của bạn. Nếu CV của bạn đẹp và phù hợp thì bạn sẽ mở được khóa. Ngược lại, bạn sẽ phải đợi chờ mòn mỏi nhưng rồi cũng chỉ nhận lại được duy nhất một sự im lặng! Vậy, để lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng, bạn nên viết CV ngành sinh học như thế nào cho đúng và thật ấn tượng? Sau đây, tôi sẽ chia sẻ ba phần quan trọng của một CV mà tôi rút ra từ kinh nghiệm của chính bản thân mình sau hơn 10 lăn lộn trong ngành sinh học này.

Nội dung

Phần Tóm tắt của CV phải phù hợp với vị trí ứng tuyển

Không phải nhà tuyển dụng nào cũng có đủ thời gian để đọc hết CV của bạn từ đầu đến cuối. Thế nên, bạn phải viết để làm sao ngay sau 10 giây đầu tiên nhà tuyển dụng đã đánh giá bạn là một trong những ứng viên tiềm năng. Để làm được điều này bạn phải chăm chút cho phần “Tóm tắt” hay “Profile” khi viết CV ngành sinh học và cả những ngành khác. Phần này nên là phần đầu tiên của CV, chỉ nằm sau thông tin liên hệ và ảnh của bạn.

Trong phần Profile, bạn cần phải nêu thật vắn tắt trong 4-5 dòng về những kinh nghiệm, kỹ năng và đức tính của bản thân có liên quan mật thiết với tính chất công việc mà bạn đang nộp đơn. Sự liên quan này rất quan trọng. Tôi đã từng loại ngay những ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển cho vị trí nghiên cứu nhưng trong CV họ lại ghi rằng “…có hơn 3 năm kinh nghiệm trong bán hàng!!!” Khi nộp đơn vào làm nghiên cứu viên tại một trường Đại học tại Việt Nam, tôi đã viết phần Profile như hình bên dưới. Profile này theo tôi là phù hợp vì nhà tuyển dụng lúc đó đang kỳ vọng vào việc phát triển cũng như thương mại hóa các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực chẩn đoán bệnh thủy sản.

viết CV ngành sinh học

Xem thêm  Bốn câu hỏi phỏng vấn việc làm đúng ngành sinh học

Nên nói về các con số trong phần Kinh nghiệm chuyên môn

Khi viết CV ngành sinh học, đến phần “Kinh nghiệm chuyên môn” hay “Professional Experience”, tôi nghĩ mọi người thường có xu hướng muốn liệt kê tất cả những công việc từng làm. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, các bạn có thể vô tình nêu cả những công việc không hề liên quan, thậm chí là đối lập với vị trí đang ứng tuyển. Lời khuyên đầu tiên của tôi cho phần này là các bạn nên cân nhắc thật kỹ lưỡng và chỉ nêu những công việc liên quan đến vị trí tuyển dụng. Ngoài ra, với mỗi công việc, bạn nên nêu được 2-3 thành quả đã đạt được.

Và, vì phần Kinh nghiệm chuyên môn có thể được xem là phần quan trọng nhất của một CV, nên bạn phải trau chuốt nội dung sao cho khi đọc lên nó thật hấp dẫn, chứ không chỉ đơn thuần là những cái gạch đầu dòng đơn điệu, nhàm chán! Để làm được điều này, bạn có thể tham khảo kinh nghiệm viết CV sau đây của tôi.

Giống như những lĩnh vực khác, khi viết CV ngành sinh học, bạn nên đưa ra những con số để cụ thể hóa các thành quả bạn đã đạt được với từng công việc. Trong ví dụ ở hình bên dưới, tôi đã nêu rõ thành quả khi tôi làm một trưởng nhóm nghiên cứu là đã tham gia phát triển thành công 50 sản phẩm chẩn đoán bệnh cho thủy sản, vật nuôi và người. Năm mươi là một con số cụ thể và nó hấp dẫn hơn nhiều so với những từ mang tính ước lệ như “nhiều” hay thậm chí là “rất nhiều”! Ngoài ra, tôi cũng không quên cho vài ví dụ cụ thể với từng nhóm sản phẩm, ví dụ sản phẩm chẩn đoán bệnh cho thủy sản thì có WSSV (vi-rút gây bệnh đốm trắng ở tôm), còn sản phẩm chẩn đoán bệnh cho heo thì có PRRSV (vi-rút gây bệnh heo tai xanh). Và một lần nữa, do tôi biết nhà tuyển dụng này quan tâm nhiều đến mảng thủy sản và thú y nên tôi đã cố ý xếp những sản phẩm chẩn đoán bệnh cho thủy sản và heo lên trước.

viết CV ngành sinh học

Muốn viết CV ngành sinh học thì phải hiểu nhà tuyển dụng cần gì

Một nội dung cũng không kém phần quan trọng mà bạn nên chú ý khi viết CV ngành sinh học là phần “Kỹ năng” hay “Skills”. Nếu bạn chịu khó đầu tư thêm chút thời gian cho phần này, bạn có thể sẽ ghi thêm điểm với nhà tuyển dụng đấy! Tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân khi viết phần “Kỹ năng” này.

viết CV ngành sinh học

  • Đừng sa đà vào việc kể lể những kỹ năng mềm như hoạt động ngoại khóa, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm hay thậm chí là kỹ năng lãnh đạo. Bạn cần phải hiểu nhà tuyển dụng cần gì ở bạn khi bạn trở thành nhân viên chính thức trong công ty của họ.
  • Liệt kê cụ thể những kỹ năng chuyên môn liên quan trực tiếp đến vị trí bạn đang ứng tuyển mà trước đây bạn đã làm hoặc học qua. Ví dụ, tôi nộp đơn vào vị trí Nhân viên ứng dụng sản phẩm thì tôi sẽ nêu những kỹ thuật phòng thí nghiệm có liên quan đến sản phẩm của công ty, nghĩa là nếu công ty bán máy Real-time PCR thì tôi sẽ ghi vào phần Kỹ năng của mình là “PCR, Real-time PCR, ….”
  • Bạn cũng nên ghi cụ thể là bạn đã ứng dụng các kỹ thuật cho việc gì. Ví dụ, tôi không chỉ ghi “PCR, Real-time PCR” mà tôi ghi cụ thể là “PCR, Real-time PCR for pathogen detection and genotyping”. Tất nhiên, bạn phải chắc chắn rằng những ứng dụng này có liên quan đến đơn vị tuyển dụng.
  • Những kỹ thuật hay kỹ năng nào cần nhất cho vị trí ứng tuyển thì nêu đầu tiên.
  • Chỉ nêu những kỹ thuật hay kỹ năng bạn đã được làm trên thực tế, hoặc ít nhất là học hay thực hành vài ba lần trong nhà trường. Tránh trường hợp viết ra những thứ bạn chưa bao giờ biết đến chỉ để cho “đầy” bản CV!
  • Kỹ thuật nào bạn nào chưa chắc chắn hay còn hiểu mơ hồ thì bạn nên dành thời gian tìm hiểu thêm, trước khi tham gia phỏng vấn (nếu bạn được gọi đi phỏng vấn ^^)

Bài viết thuộc bản quyền của Sinh Học Phân Tử Bên Giảng Đường.

 9,592 total views,  1 views today

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi