Giao lưu hướng nghiệp cùng sinh viên ngành sinh học – HUFI

sinh viên ngành sinh học
Ngày 14/05 vừa qua, tôi được mời tham gia một buổi sinh hoạt hướng nghiệp cho sinh viên ngành sinh học năm 4 tại trường Đại học Công Nghiệp Thực Phẩm (HUFI). Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, tôi nhận được không ít câu hỏi hay và thú vị. Sau đây, tôi xin chia sẻ lại các câu hỏi tiêu biểu và cách tôi đã trả lời để bạn đọc có thể tham khảo.

Nội dung

Sinh viên ngành sinh học có thể làm những công việc gì sau khi ra trường

Sau khi tốt nghiệp ngành Sinh học hay Công nghệ sinh học, bạn có thể làm một số công việc như sau:

  • Nhân viên nghiên cứu cơ bản và ứng dụng tại các trường, viện trong và ngoài nước. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm nhân viên nghiên cứu – phát triển sản phẩm tại các công ty tư nhân, công ty cổ phần, tập đoàn Việt Nam hoặc nước ngoài.
  • Nhân viên kỹ thuật tại phòng thí nghiệm. Những phòng thí nghiệm (lab) này có thể là phòng kiểm tra chất lượng tại các nhà máy, công ty sản xuất; phòng xét nghiệm bệnh trên người tại bệnh viện, phòng khám; phòng xét nghiệm bệnh trên động vật, trên cây trồng tại các công ty sản xuất hoặc trung tâm dịch vụ phân tích; phòng sản xuất tại các công ty cung cấp chế phẩm sinh học, dược sinh học.
  • Nhân viên ứng dụng tại các công ty thương mại. Tìm hiểu về nghề “Nhân viên ứng dụng ngành sinh học” tại đây
  • Nhân viên sales hoặc marketing thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao ngành sinh học cho các khách hàng viện, trường, bệnh viện, phòng khám, trung tâm phân tích, công ty sản xuất.
Xem thêm  Nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ sinh học

Em học chuyên ngành về sinh học phân tử, nhưng em không thích làm nghiên cứu. Vậy em có thể làm những công việc liên quan gì khác?

Bạn có thể làm nhân viên kỹ thuật tại phòng thí nghiệm, nhân viên ứng dụng tại các công ty thương mại hoặc nhân viên sales/marketing (xem câu trả lời trên). Điều quan trọng là bạn phải tìm được những phòng thí nghiệm hay công ty hoạt động hay buôn bán trong lĩnh vực sinh học phân tử.

Những công việc như nhân viên ứng dụng ngành sinh học đòi hỏi trình độ Anh văn như thế nào?

sinh viên ngành sinh học
Khoảnh khắc giới thiệu ngắn về bản thân của tôi

Là một sinh viên ngành sinh học vừa mới ra trường, bạn hoàn toàn có thể trở thành một nhân viên ứng dụng tại các công ty thương mại. Mặc dù tính chất công việc này không đòi hỏi ứng viên phải có bằng cấp Anh văn như TOEFL, IELTS, TOEIC, v.v… nhưng bạn cần phải có khả năng giao tiếp và làm việc bằng tiếng Anh. Một số kỹ năng Anh văn quan trọng bạn nên chú ý trau dồi như sau:

  • Kỹ năng nghe và nói – Để giao tiếp với các chuyên gia nước ngoài của những hãng cung cấp.
  • Kỹ năng đọc hiểu – Để sử dụng hiệu quả những tài liệu bằng tiếng Anh (100% tài liệu trong nghề này được viết bằng tiếng Anh)
  • Kỹ năng viết – Để trao đổi với các chuyên gia qua email.

Để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, em có thể tìm hiểu thông tin về sản phẩm của nhà tuyển dụng ở đâu?

Thông thường, mỗi công ty đều có trang web riêng của họ. Bạn có thể vào những trang web ấy để tìm hiểu về những sản phẩm họ đang cung cấp. Những sản phẩm xuất hiện đầu tiên thường là sản phẩm chủ đạo của công ty đó. Với nhà tuyển dụng là những công ty thương mại, nếu bạn muốn nghiên cứu sâu hơn về tính năng của những sản phẩm, bạn có thể tìm kiếm trên Google với tên thương mại của chúng. Kết quả trả về thường là trang web của những hãng sản xuất và bạn có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu ở đấy.

Xem thêm  Tạo NIỀM VUI trong LỚP HỌC bằng GAMESHOW

Em nên chờ những công việc phù hợp với mình hay cứ nhận làm bất kỳ công việc nào khi có cơ hội?

Với cá nhân tôi, cũng là một sinh viên ngành sinh học, tôi sẽ kiên nhẫn chờ đến khi tìm được công việc phù hợp với tính cách, kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện của tôi khi mới ra trường.

Tôi vốn là một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Bioinformatics. Khi mới ra trường, tôi cũng từng đồng ý vào làm nhân viên kinh doanh cho một công ty cung cấp trang thiết bị y tế. Nhưng chỉ sau đúng 3 ngày là tôi xin nghỉ. Lý do một phần vì tôi không hợp với những chiêu trò trong kinh doanh (đặc biệt là ngành thiết bị y tế). Phần còn lại thì tôi nghĩ rằng bản thân mình có thế mạnh về học thuật và nghiên cứu, nên sẽ rất phí phạm nếu tôi tự “chôn” mình trong lĩnh vực kinh doanh này.

Mãi 8 tháng sau đó, tôi mới được nhận vào làm nhân viên nghiên cứu – phát triển cho một công ty tư nhân Việt Nam. Và tôi đã làm ở đấy hơn 6 năm trời!

Các bạn thấy đó, là một sinh viên ngành sinh học, sẽ có những lúc bạn phải chấp nhận đối mặt với khoảng thời gian dài thất nghiệp (với tôi là 8 tháng). Nhưng nếu bạn kiên định và suy nghĩ tích cực, khoảng thời gian tăm tối này sẽ chẳng là gì khi so với những năm tháng huy hoàng sau đó trong sự nghiệp của bạn.

Xem thêm  Học công nghệ sinh học dễ thất nghiệp! Thì đã sao?

Bài viết thuộc bản quyền của Sinh Học Phân Tử Bên Giảng Đường.

 4,615 total views,  2 views today

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi